Tìm hiểu về 4 loại hộp số đang được sử dụng phổ biến trên ô tô

Ngày đăng: 16/11/2021 02:59:03
Lượt xem: 2811

Hộp số ô tô là gì?

Đây là bộ phận truyền công suất từ động cơ đến các bánh xe, giúp xe chuyển động em dịu khi di chuyển trên đường

Các hãng xe ô tô hiện nay đang sử dụng 4 loại hộp số phổ biến: Hộp số tự động ECT, hộp số truyền động vô cấp CVT, hộp số tự động ly hợp kép DCT và hộp số sàn MT. Cấu tạo hộp số và nguyên lý hoạt động của mỗi loại có nhiều điểm khác biệt.

Hôm nay trung tâm đào tạo EAC sẽ cùng các bạn tìm hiểu về công dụng, cấu tạo chung của 4 loại hộp số đó nhé

Tham khảo khóa học Sửa chữa hộp số tự động, hộp số CVT tại đây

1. Hộp số tự động ECT

Hộp số tự động (AT - Automatic Transmission) là loại hộp số có thể thay đổi tỷ số truyền động một cách tự động, không cần người lái sử dụng cần gạt. Loại hộp số tự động phổ biến nhất hiện nay là hộp số tự động thủy lực.

Cấu tạo hộp số tự động

Bộ bánh răng hành tinh: gồm bánh răng mặt trời nằm ở trung tâm và có kích thước lớn nhất và bánh răng hành tinh nằm ở xung quanh bánh răng mặt trời, ăn khớp và xoay quanh bánh răng mặt trời, có kích thước nhỏ hơn. Lồng hành tinh (cần dẫn) là bộ phận liên kết với trục của bánh răng hành tinh, đồng trục với vành đai ngoài (bộ phận bao quanh bộ bánh răng hành tinh).
Bộ ly hợp thủy lực: Tạo ra áp suất thủy lực, điều khiển áp suất thủy lực thông qua các van điện, van cơ khí để đóng và ngắt bộ côn( lý hợp) bộ phanh để đi các số tiến và số lùi
Biến mô thủy lực: nằm giữa hộp số và động cơ, có tác dụng truyền mô men xoắn từ động cơ đến trục vào hộp số. 
Bộ điều khiển điện tử:
ECU động cơ & ECT điều khiển thời điểm chuyển số và khoá biến mô bằng cách điều khiển các van điện từ của bộ điều khiển thuỷ lực để duy trì điếu kiện lái tối ưu với việc dùng các tín hiệu từ các cảm biến và các các công tắc lắp trên động cơ và hộp số tự động

Nguyên lý hoạt động của số tiến

Mỗi số sẽ có bộ bánh răng hành tinh và bộ ly hợp tương ứng. Từ biến mô, mô men xoắn từ trục khuỷu của động cơ truyền tới trục vào của hộp số. Sau đó, muốn truyền tới trục ra, cần có đóng, ngắt các ly hợp và phanh 1 cách hợp lý. Lúc này, bảng điều khiển điện tử sẽ làm nhiệm vụ đóng mở đường dầu dẫn tới các ly hợp theo nhu cầu giúp xe vào số. 
Nguyên lý hoạt động của số lùi 

Việc đóng, ngắt bộ phanh và lý hợp điều khiển bộ truyền bánh răng hành tinh để thực hiện đi số lùi

2. Hộp số tự động vô cấp CVT

Hộp số tự động vô cấp (CVT - Continuously Variable Transmission) là loại hộp số không cần chia theo từng cấp số để thay đổi tỷ số truyền lực. 

Cấu tạo hộp số tự động vô cấp CVT

Cấu tạo hộp số tự động vô cấp CVT gồm 2 phần: dây đai truyền động bằng thép và hệ pulley. 

Hệ pulley gồm có pulley đầu vào (pulley chủ động) nhận mô men do động cơ truyền đến và pulley đầu ra (pulley bị động) có tác dụng kết nối với đầu ra của hộp số. Mỗi pulley được thiết kế từ 2 khối hình chóp đối đỉnh với nhau và tạo một góc nghiêng 20 độ. Một nửa pulley được giữ cố định và nửa còn lại có thể trượt trên trục, khi vận hành chúng có thể di chuyển cách xa nhau hoặc tiến lại gần nhau, tạo nên sự thay đổi của tỷ số truyền.

Nguyên lý hoạt động của số tiến

Bộ điều khiển thủy lực điều khiển pulley giúp hệ pulley di chuyển cách xa hoặc tiến lại gần, từ sự thay đổi bán kính pulley dẫn tới thay đổi tỷ số truyền. Khi cách xa, bán kính pulley tăng lên, dây đai truyền động sẽ được nâng ra xa tâm. Ngược lại, khi bán kính pulley giảm, dây đai sẽ gần tâm hơn. Muốn động cơ tạo số cao, pulley chủ động cần có bán kính lớn, pulley bị động có bán kính nhỏ và ngược lại.

Nguyên lý hoạt động của số lùi

Để có số lùi, nhà sản xuất sẽ lắp thêm trước đầu vào của hệ truyền đai 1 bộ bánh răng hành tinh và bộ ly hợp giống như của hộp số tự động. Bộ ly hợp có nhiệm vụ cố định vành đai, từ đó khiến bánh răng hành tinh quay ngược chiều lại với bánh răng mặt trời. Nhờ vậy, hộp số quay ngược chiều và cho ra số lùi. 

Còn với số tiến bình thường, bánh răng mặt trời quay nhờ động cơ dẫn động và kéo theo bánh răng hành tinh quay cùng chiều với nhau, khiến cần dẫn quay và truyền lực cho pulley chủ động. 

3. Hộp số sàn MT

Hộp số sàn (MT - Manual Transmission) là loại hộp số mà người lái sử dụng cần số gạt tay để thay đổi tỷ số truyền động. Hộp số sàn còn gọi là số tay.

Cấu tạo hộp số sàn 

Hộp số sàn gồm có các bộ phận: bánh răng, trục hộp số, bộ đồng tốc, ổ bi, được bao bọc bởi vỏ và nắp hộp số.

Bánh răng: Đây là bộ phận chính, có nhiệm vụ thay đổi tỷ số truyền, từ đó làm thay đổi tốc độ quay giữa các chi tiết.
Trục hộp số: Hộp số dọc thường có 3 trục gồm Trục sơ cấp – Trục trung cấp – Trục thứ cấp. Hộp số ngang có 2 trục là trục sơ cấp – trục thứ cấp.
Bộ đồng tốc: Bộ phận này giúp tốc độ của các bánh răng được đồng đều khi vào số, tránh gặp tình trạng va đập giữa các bánh răng. Nhờ đó, quá trình vào số của xe sẽ êm ái và dễ dàng hơn. 
Ổ bi: Bộ phận này giúp chuyển hóa ma sát trượt thành ma sát lăn, từ đó làm giảm tiếng ồn trong quá trình hoạt động và giúp hộp số kéo dài tuổi thọ. 
Vỏ và nắp hộp số: Chứa các bộ phận bên trong hộp số, có nhiệm vụ bảo vệ các bộ phận này khỏi va đập.

Nguyên lý hoạt động của số tiến

Từ động cơ, mô men lực thông qua ly hợp sẽ được truyền vào hộp số. Trục sơ cấp (đầu vào) của hộp số là nơi tiếp nhận mô men này. Sau đó, cặp bánh răng trung gian tương ứng với cấp số tiến mà người lái chuyển sẽ ăn khớp với nhau và truyền động lực tới trục thứ cấp (đầu ra).
Mô hình truyền lực như sau:
Động cơ >> ly hợp >> trục sơ cấp của hộp số >> trục trung gian >> trục thứ cấp >> trục dẫn động.

Nguyên lý hoạt động của số lùi

Khi người lái chuyển cần số về số lùi, bánh răng nhỏ trung gian ở chế độ số lùi (idle gear) sẽ ăn khớp với bánh răng thứ cấp và trung gian. Lúc này, bánh răng trung gian sẽ dẫn động cho bánh răng thứ cấp, nhưng thông qua bánh răng trung gian khác làm bánh răng thứ cấp quay ngược chiều khiến trục thứ cấp chuyển động ngược. Nhờ đó xe có thể di chuyển lùi đúng như điều khiển của tài xế.

4. Hộp số ly hợp kép DCT

Hộp số ly hợp kép (tiếng Anh là Dual-Clutch Transmission – viết tắt DCT) là một loại hộp số tự động có 2 ly hợp hoạt động độc lập.

So với các loại hộp số ô tô khác, hộp số ly hợp kép DCT có ưu điểm sang số nhanh, tiết kiệm nhiên liệu nhưng lại dễ bị tăng nhiệt nếu sử dụng không đúng cách.

Hộp số ly hợp kép DCT là sự kết hợp giữa hộp số sàn MT và hộp số tự động AT. Cụ thể, cấu tạo hộp số DCT gồm bộ nhiều bánh răng giống cấu tạo hộp số sàn kết hợp với hai ly hợp có nguyên lý hoạt động giống trên hộp số tự động.

Hai ly hợp này hoạt động độc lập với nhau. Một ly hợp điều khiển các bộ bánh răng cấp số lẻ như 1, 3, 5… Một ly hợp điều khiển các bộ bánh răng cấp số chẵn như 2, 4, 6…

Nguyên lý làm việc của các bộ bánh răng trong hộp số ly hợp kép DCT giống như hộp số sàn MT. Điểm khác là cơ cấu chuyển số được thực hiện tự động giống với hộp số tự động truyền thống. Từ các tín hiệu cảm biến, bộ điều khiển điện tử sẽ điều khiển hoạt động của những bộ bánh răng thông qua ly hợp.

Hộp số ly hợp kép DCT có hai loại: ly hợp kép khô và ly hợp kép ướt. Điểm khác nhau là hộp số ly hợp kép ướt có thêm dầu hộp số để làm mát, tản nhiệt. Do đó, khả năng chịu mô men xoắn cao hơn. Trong khi hộp số DCT khô có cấu trúc đơn giản, trọng lượng nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng vì hạn chế ở khả năng làm mát nên bị giới hạn ở một ngưỡng mô men xoắn nhất định.

Đa số các hãng xe phổ thông sử dụng hộp số ly hợp kép DCT khô bởi ưu điểm chi phí rẻ. Điển hình như hộp số Powershift của Ford.  Kia Seltos hay Kia Sorento cũng sử dụng loại hộp số này.

 

THAM KHẢO KHÓA HỌC SỬA CHỮA HỘP SỐ TỰ ĐỘNG

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO Ô TÔ  EAC

Điện thoại liên hệ :  0979.145.562 - 0976. 072. 398

Địa chỉ : CS1 Lô A40 Đức Diễn - Từ Liêm - Hà Nội

Địa chỉ : CS2 KTT Máy Cơ Khí 4, Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội

Web : https://daotaooto.edu.vn/

https://www.facebook.com/daotao.eac

Share on facebook
Tin tức khác