Phương Pháp Kiểm Tra Hệ Thống Bôi Trơn Động Cơ Đốt Trong

Ngày đăng: 03/09/2024 13:58:18
Lượt xem: 50

Hệ thống bôi trơn trên ô tô có vai trò quan trọng đối với quá trình vận hành của một chiếc xe, giúp giảm thiểu ma sát mài mòn, oxy hóa, làm sạch, làm mát cho các chi tiết chuyển động tương đối với nhau trong động cơ và làm kín buồng đốt giảm khí thải động cơ một cách hiệu quả, giúp động cơ hoạt động êm ái.

1. Các công việc cần kiểm tra trước khi chẩn đoán:

- Dầu bôi trơn phải được dùng đúng chủng loại theo loại động cơ.

- Kiểm tra mức dầu, độ bẩn của dầu. Kiểm tra mức dầu bằng thước thăm dầu, kiểm tra chất lượng dầu bằng bằng cách nhỏ một giọt dầu vào tờ giấy nếu dầu còn tốt sẽ để lại trên giấy vết tròn màu nâu thẫm, nếu dầu màu đen là dầu bẩn hoặc lẫn nhiên liệu do lọt khí cacte.

- Quan sát sự rò rỉ của két dầu và các đường ống bên ngoài.

2. Kiểm tra áp suất dầu:

- Kiểm tra áp suất dầu bôi trơn có thể tiến hành:

+ Xác định trực tiếp bằng đồng hồ báo áp suất. Áp suất tiêu chuẩn phải đạt 2-6 kG/cm2.

+ Thông qua đèn cảnh báo áp suất dầu trên bảng tablo. Khi bật khóa điện đèn sáng, nổ máy lên thì đèn tắt.

- Dùng đồng hồ đo áp suất:

+ Tháo van báo áp suất dầu

+ Lắp đồng hồ báo áp suất dầu vào. Nổ máy hâm nóng đến nhiệt độ bình thường sau đó so sánh áp suất của bơm với áp suất tiêu chuẩn

Ví dụ: Động cơ 1RZ ở tốc độ vòng quay 3000 vòng/phút thì áp suất là 2 - 2.5 kG/cm2. Ở tốc độ không tải: 0.3kG/cm2

3. Kiểm tra nhiệt độ dầu:

Nhiệt độ dầu nhờn đo trên đường dầu chính xấp xỉ bằng nhiệt độ động cơ, sai lệch giữa chúng không lớn hơn 5 độ C. Kiểm tra nhiệt đô dầu bôi trơn có thể tiến hành các bước:

- Xác định trực tiếp bằng đồng hồ của ô tô ( nếu có )

- Lắp thêm đồng hồ đo nhiệt độ trên đường dầu chính có độ chính xác: 2 độ C

- Cảm nhận nhiệt ở từng phần của động cơ

Khi kiểm tra nếu thấy:

 - Nhiệt độ cao quá chứng tỏ: dây curoa trùng, két dầu tắc, thiếu dầu, dầu quá đặc, hỏng hệ thống làm mát của động cơ

- Nếu nhiệt độ quá thấp: kẹt van điều áp ở trạng thái không cấp dầu cho hệ thống

4. Kiểm tra bơm dầu:

Quan sát bằng mắt các gioăng đệm

- Kiểm tra bánh răng ăn khớp ngoài:

+ Dùng thước lá đo khe hở của đỉnh răng và lòng thân bơm (vỏ bơm). Tiêu chuẩn: 0.03 - 0.06 mm. Nếu lớn hơn 0.1 mm thì thay mới

+ Khe hở ăn khớp giữa hai bánh răng. Tiêu chuẩn 0.15 - 0.35 mm. Nếu lớn hơn 0.75 mm thì thay mới. Sai lệch giữa các răng không quá 0.1 mm

+ Kiểm tra mặt làm việc của nắp bơm, nếu mòn quá cũng ảnh hưởng đến áp suất bơm. Đo chiều sâu vết lõm, nếu lớn hơn 0.1 mm thì thay hoặc rà lại nắp bơm.

- Kiểm tra bánh răng ăn khớp trong:

+ Dùng thước lá đo khe hở của đỉnh răng và lòng thân bơm (vỏ bơm). Tiêu chuẩn: 0.1 - 0.15 mm. Nếu lớn hơn 0.35 mm thì thay mới.

+ Khe hở thân bơm. Tiêu chuẩn 0.08 - 0.15 mm. Nếu lớn hơn 0.2 mm thì thay mới.

+ Kiểm tra khe hở cạnh. Khe hở tiêu chuẩn: 0.025 - 0.065 mm. Nếu lớn hơn 0.1 mm thì thay mới roto, thân bơm.

- Kiểm tra bầu lọc ly tâm:

 + Bầu lọc ly tâm bị tắc do nhiều cặn bẩn, ổ phun bị mòn do sự xói mòn của dầu

+ Nghe thấy tiếng quay của bầu lọc ly tâm như:

Trên động cơ có bầu lọc ly tâm khi vừa tắt máy lắng nghe thấy tiếng "o..o.." nhỏ phát ra từ bầu lọc kéo dài khoảng 30 giây tới 1 phút, cho đến khi áp suất dầu giảm nhỏ mới thôi. Nếu tiếng kêu lớn và thời gian ngắn chứng tỏ ổ đỡ bị mòn lỏng, nếu thời gian quá ngắn chứng tỏ bầu lọc quá bẩn cần phải bảo dưỡng lại.

- Thay dầu và lọc dầu:

+ Dầu bôi trơn sẽ được thay định kỳ trong chu kỳ bảo dưỡng cấp 1

+ Quy trình thay dầu động cơ:

B1: Mở nắp đổ dầu ở nắp đậy giàn cò

B2: Cho xe lên cầu nâng (nếu có)

B3: Chuẩn bị khay đựng dầu thải

B4: Tháo bu lông cácte

B5: Thay long đen bu lông cacte

B6: Vệ sinh sạch rốn cacte

B7: Siết chặt bulong rốn cacte

B8: Đổ dầu bôi trơn vào động cơ đúng lượng thông qua que thăm dầu

B9: Khởi động động cơ khoảng 2 phút, sau đó tắt máy. Đợi khoảng 5 phút dùng que thăm dầu kiểm tra lại lượng dầu trong cacte và độ kín của bulong rốn cacte.

- Khi thay dầu chú ý:

+ Nếu động cơ nguội thì hâm nóng động cơ vài phút. Nếu động cơ quá nóng thì để động cơ hơi nguội rồi mới thay dầu để đảm bảo dầu bẩn chảy hết xuống cacte và tăng tuổi thọ động cơ.

+ Kiểm tra bulong đáy dầu: bulong đáy dầu là chi tiết có gắn nam châm có tính từ nhằm thu hút mạt thép, khi tháo có thể xem lượng mạt thép chứa trong dầu

+ Kiểm tra lượng tạp chất nhiễm bẩn trong dầu

Ngày nay, để giảm bớt công chăm sóc và bảo dưỡng người ta thuờng sử dụng bầu lọc một lần ( bầu lọc giấy). Bầu lọc này được thay định kỳ sau 1 hoặc 2 lần thay dầu bôi trơn.

Share on facebook
Tin tức khác