Những điều cần biết về hợp đồng mua xe ô tô

Ngày đăng: 17/08/2021 16:10:40
Lượt xem: 267

Những điều cần biết về hợp đồng mua xe ô tô

Cách đàm phán với nhân viên bán hàng đại lý?

Hãy chắc chắn bạn đã nắm tổng quát giá bán trên thị trường, sau khi tham khảo từ nhiều kênh bán hàng cũng như thông tin trên các phương tiện truyền thông và website chính hãng. Giá xe và những ưu đãi, khuyến mãi, quà tặng đi kèm cần được làm rõ, khoản nào có thể quy ra tiền mặt hoặc không.

Hầu hết các đại lý đều cho phép đàm phán giá theo các "tầng" khác nhau. Ví dụ: nhân viên tư vấn có thể giảm cho bạn 10 triệu, nhưng cấp trưởng phòng sẽ được 20 triệu và giám đốc là 30 triệu. Tuy vào thực tế bán hàng, để đảm bảo đủ doanh số và khách hàng nắm rõ thông tin, đại lý có thể phải giảm giá tới các cấp cao hơn.

Nếu bạn còn phân vân ở yếu tố nào, nên tập trung vào làm rõ yếu tố đó để chốt xe như chất lượng xe, màu xe... Kiểm tra kỹ các điều khoản, tránh mập mờ thông tin, nên xác nhận lại toàn bộ thông tin bằng văn bản như tin nhắn, email với nhân viên bán hàng trước khi làm hợp đồng. Những thông tin cần ghi nhớ là màu xe, nội thất, năm sản xuất, các ưu đãi đã đàm phán.

Các lưu ý khi ký hợp đồng

Mẫu hợp đồng thường sẽ được nhân viên tư vấn bán hàng soạn sẵn và cho bạn đọc qua, nếu đồng ý thì ký xác nhận.

Đây là hợp đồng dân sự, hoàn toàn có thể chỉnh sửa theo ý chí của các bên, vì vậy bạn có thể thay đổi, thêm, bớt, chỉnh sửa những mục về quyền lợi, trách nhiệm của bên bán và bên mua mà bạn cho là chưa hợp lý. Thông thường, để tránh làm thêm việc, các tư vấn bán hàng thường lấy nhiều lý do để khách tuân theo hợp đồng soạn sẵn. Bạn nên tỉnh táo để tránh rơi vào tình huống này, nếu có điều khoản nào đó trong hợp đồng chưa thỏa đáng.

Ví dụ:

- Các đại lý thường mập mờ thời gian giao xe và thường không có điều khoản phạt nếu giao chậm, vì vậy bạn nên đàm phán để bổ sung.

- Giá xe cần được quy định rõ là tính theo thời điểm ký hợp đồng, hay khi nhận xe. Nếu không viết rõ, rất có thể bạn sẽ phải trả giá cao hơn nếu ở thời điểm nhận xe giá thực tế trên thị trường đã thay đổi.

Một số thông tin chi tiết mà bạn nhất định cần làm rõ là thời gian giao xe, đời xe, màu xe (cả màu sơn bên ngoài và màu da nội thất), phiên bản. Thực tế có nhiều khách hàng và đại lý đã xung đột vì không quy định rõ những yếu tố này trong hợp đồng.

Ví dụ: đại lý thường viết Model 2020, có nghĩa là xe đời 2020, nhưng mẫu xe này hoàn toàn có thể sản xuất trong 2019. Vì vậy, bạn nên viết rõ Model 2020, sản xuất 2020. Ngoài ra, màu sơn cũng dễ bị nhầm lẫn. Hợp đồng ghi màu nâu nội thất, bạn nghĩ rằng đó là nân cafe, nhưng đến khi nhận xe lại là nâu da bò sáng. Lúc này bạn cũng không thể kiện đại lý làm sai, bởi hợp đồng không ghi rõ là màu nâu gì. Hãy ghi chuẩn màu chi tiết theo mã màu, cách gọi tên của hãng.

Các lưu ý  khi thanh toán

Sau khi ký hợp đồng, bạn sẽ tiến tới bước thanh toán cho nơi bán. Tuỳ phương thức thanh toán trả thẳng hay trả góp sẽ có từng bản hợp đồng riêng cho mỗi loại.

Bạn cũng cần nhớ những vấn đề sau khi thanh toán: thời gian thanh toán, tiến độ thanh toán, nội dung thanh toán, người nhận thanh toán. Lưu ý: nếu thanh toán tiền mặt, bạn cần làm việc trực tiếp với bộ phận kế toán để lấy được hóa đơn gốc. Nếu chọn chuyển khoản, không nên chuyển vào tài khoản của nhân viên bán hàng hay bất cứ một bên nào khác không phải tên công ty. Tài khoản thanh toán phải là tài khoản của đại lý nơi bạn mua xe.

Nếu bạn chuyển vào tài khoản cá nhân của tư vấn bán hàng, nhân viên kế toán, bạn có thể gặp rủi ro mất trắng số tiền này nếu người nhận tiền biến mất. Đại lý, nhân viên bán hàng cũng có thể sử dụng tiền của bạn để làm việc khác, vì vậy không nên chuyển tiền quá sớm, chỉ cần đúng tiến độ là được

Các lưu ý khi nhận xe

Khi nhận xe, bạn cần kiểm tra hình thức từ bên ngoài vào trong để đảm bảo không có gì xước sát, hư hại do quá trình sản xuất, vận chuyển ở các vị trí như đèn, ba-đờ-sốc.

Thậm chí có một số lỗi khi lắp ráp như cửa không khít, lốp lắp ngược, nhầm màu da, dùng lốp cũ (xe 2021 nhưng lốp 2019, 2018)... đều có thể xảy ra. Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra các dụng cụ trang bị theo xe có đầy đủ hay không, có đúng thông số của hãng hay không, như kích, bộ sửa xe cơ bản, lốp dự phòng, tam giác cảnh báo nguy hiểm...

Giấy tờ cũng là thứ cần kiểm tra để đảm bảo các thông tin về xe trên giấy tờ không có sai sót, gây khó khăn trong quá trình đăng ký, đăng kiểm.

Share on facebook
Tin tức khác